Tôi tham gia trại hè Singapore cùng lũ trẻ với một cảm xúc lâng lâng khó tả và cực hãnh diện bởi một lí do “Okie! Ta sắp được ra nước ngoài”. Không dấu được nụ cười và sự sung sướng khi được đến một nơi mà trước kia chỉ được ngắm nhìn qua TV và tranh ảnh, tôi hân hoan cùng 40 cô cậu học trò nhỏ và 3 người cộng sự thu xếp hành lí lỉnh kỉnh đồ đạc để đón chào một cuộc sống ở xứ sở mới – xứ sở của những con người năng động.
Sau 2 tiếng bay vật vã, chúng tôi đáp xuống sân ban Changi và cùng nhau “hành quân” về kí túc xá Yoha. Trong suốt chặng đường di chuyển, tôi có cơ hội được ngắm nhìn những hàng cây xanh mướt, bầu trời trong phẳng lặng và những con đường với dòng xe cộ di chuyển tuần tự mà không ồn ã, xô bồ. Và cứ thế… bao nhiêu con đường, bao nhiêu ngã tư, bao nhiêu đèn đỏ nhưng trong lòng tôi cứ cảm giác thiếu thiếu. So với cuộc sống của 25 năm qua ở Việt Nam, bao nhiêu con đường, ngã rẽ đã đi, gần giống như nhau thôi nhưng không hiểu sao khi tôi ngắm đường phố ở Singapore, tôi lại cảm thấy thiếu một cái gì đó rất quen thuộc.
… Bất chợt, một tiếng nói nhẹ nhàng vang lên bên tai: “Có phải cô thấy thiếu chú cảnh sát giao thông đúng không?”
Tôi giật mình, còn cậu học trò nhỏ, mắt vẫn không thôi rời khỏi màn hình điện thoại, miệng vẫn không ngừng nói: “ở đây là thế cô ạ, không ai quản lí ai, mọi thứ đều có luật.”. “Mọi thứ đều có luật” câu nói đó cứ văng vẳng bên tai. Tôi đã nghĩ rằng, nếu mọi người đều tuân thủ thì cuộc sống có phải dễ dàng hơn rất nhiều không? Tuy nhiên, đó chỉ là suy nghĩ của tôi – của một người 25 tuổi đời và sắp bước vào cuộc sống gia đình.
Sống cùng lũ trẻ, tôi có cơ hội một lần nữa chiêm nghiệm lại những gì mình từng trải qua. Tôi và chúng có nhiều điểm tương đồng, nếu để kể ra thì nhiều lắm. Ví dụ:
- Thích chơi, thích khám phá.
- Thích ngủ nướng.
- Thích sử dụng điện thoại.
- Thích được ăn uống theo ý thích.
- Xấu hổ, sợ Tiếng Anh.
Biết làm thế nào bây giờ, chung sở thích nhưng chúng tôi lại ở 2 vị thế khác nhau. Tôi đóng vai trò giống như một bà mẹ: lo cơm nước, quần áo, thuốc men, chăm sóc sức khỏe cho chúng. Còn chúng là những đứa con còn đang tuổi ăn, tuổi ngủ, ham chơi và thích khám phá.
Mặc dù có luật nhưng trong những ngày đầu tiên, tôi thực sự biến thành một mama tổng quản vừa khó tính, vừa hay cằn nhằn. Buổi sáng, trong khi chúng còn kết nốt giấc mộng dở dang thì tôi bật dậy, dọn cơm, chia thành từng chồng khẩu phần ăn, gõ cửa các phòng. Buổi trưa và buổi tối cũng thế. Thậm chí việc ăn hoa quả tráng miệng cũng trở nên nặng nề đối với những bạn không thích ăn rau quả và đó cũng chính là nguyên nhân tôi thường cầm con dao đứng cửa phòng của những bạn như thế. Không phải muốn khủng bố tinh thần chúng, mà đơn giản là sợ “táo bón” sẽ tìm đến chúng.
Ban đầu, việc tắm giặt, thu đồ cũng cũng là một vấn đề đối với chúng. Đơn giản là vì chúng chưa làm bao giờ. Tôi đã từng phát khùng lên khi lọ mọ tìm chiếc điện thoại sũng nước trong túi quần bạn nào đó trong máy giặt hay việc phơi đồ mà tôi ngỡ như chúng để dồn cục lại để thu cho dễ. Hay là việc tôi phát hiện ra có bạn 3 ngày “trốn” tắm với cơ thể bốc mùi làm các hành khách trên xe bus phải tránh xa khiến tôi cảm thấy khá choáng váng. Còn nhiều nữa, nhiều nữa… và tôi từng nghĩ rằng “Thôi! Tập xác định làm bảo mẫu cả tháng rồi”.
Tuy nhiên chỉ sau 4 ngày, chúng đã khiến cho tôi phải thay đổi suy nghĩ về việc sẽ phải ủ mưu để kiểm soát và nhắc nhở chúng như thế nào. Ban đầu, chúng chia sẻ cho tôi những câu truyện nho nhỏ về những rắc rối mà chúng gặp phải, như “phòng con có chị người Ấn và người Trung, các chị ấy thường xuyên ngủ muộn, và dậy muộn. Buổi sáng, khi bọn con dậy, vệ sinh cá nhân để tập thể dục thì các chị ấy cáu lên vì cảm thấy bị làm phiền”, hay là “anh Hàn Quốc ở phòng con bật điều hòa lạnh quá, chúng con tăng nhiệt độ lên rồi anh ấy lại hạ xuống, phòng của con có mấy bạn bị ốm rồi”, rồi là “Cô ơi, con đi vệ sinh sáng mà thấy nguyên một bãi “shit” trong bồn cầu, đã thế lại còn nhã nữa chứ”… Sau khi nghe những câu của chúng, tôi thường đặt ra câu hỏi: “Thế con xử lý tình huống đó như thế nào?”
Quả thực, khi chúng phàn nàn với tôi, nếu như trước đây, tôi sẽ sốt sáng giải quyết hộ chúng rằng: “Con nên làm như thế này? Con nên làm như thế kia?”. Tuy nhiên, kinh nghiệm của những ngày tháng làm Advisor và hiểu biết về chúng đã khiến tôi hành động khác. Tôi đã hỏi chúng câu hỏi đó…
“THẾ CON XỬ LÝ TÌNH HUỐNG ĐÓ NHƯ THẾ NÀO?”
Tôi thoát ra khỏi hình ảnh của một “bảo mẫu” chỉ chăm chăm đi làm giúp chúng để trở về trách nhiệm của mình, một người tư vấn, định hướng. Tôi nhẫn nại hơn, điềm tĩnh hơn, kiên trì hơn để chờ chúng hành động.
Sau những chuỗi ngày “chịu đựng hoàn cảnh”, tôi đã quan sát thấy chúng hành động. Đúng ra mà nói, ở Alpha các con cũng được rèn luyện việc tự xử lý vấn đề của mình và tìm kiếm sự giúp đỡ. Khi nhóm nữ đã biết giải thích cho các chị cùng phòng về việc sẽ thức dậy vào giờ đó để tập thể dục, cam kết sẽ trật tự hơn. Các bạn ấy cũng không quên góp ý cho các chị cần giữ yên lặng hơn khi về muộn và nên bỏ rèm để không bị đánh thức bởi ánh đèn.
Nhóm nam cũng thế, các con đã biết giải thích cho các room – mate hiểu việc để nhiệt độ thấp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mình như thế nào và đề nghị tăng nhiệt độ. Chúng nói: “Ban đầu khi các con tăng nhiệt độ lên 5 độ, các anh ấy khó chịu lắm vì không quen. Các anh ấy lại hạ xuống 2 độ. Thôi thì so với trước cũng ổn hơn cô nhỉ?” Không biết có phải các anh chị sinh viên thương các em không mà ngay sau đó một vài ngày, các anh ấy đã nhường cho các em chỉnh nhiệt độ trong phòng. Thậm chí, có anh sinh viên còn pha mỳ tôm và chăm sóc “ku em” bị ốm. Các “ku em” cũng chia sẻ với các anh những thứ như bánh kẹo, bim bim… mang từ nhà sang. Thậm chí còn rủ nhau chơi game nữa. Tôi đã từng băn khoăn “điều gì đã gắn bó họ với nhau”, có phải chính nơi đất khách quê người đã gắn bó họ với nhau không?. Bắt đầu bằng việc quen, tôn trọng nhau, thân nhau và thương nhau?
Còn vụ bãi “shit” thì thế nào nhỉ? Sau lần đó, cô bé ấy đã báo lại với tôi rằng: “Thôi con cứ giật nước để xả đi thôi cô ạ. Nếu con không làm thì cũng lại một người khác nhìn thấy và họ cũng sẽ làm thôi.” Hành động của cô bé khiến cho tôi nghĩ đến câu hát: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”. Tôi đã thầm cảm ơn cô bé ấy.
“MÂU THUẪN NỘI BỘ VÀ CÁCH ĐỂ LẮNG NGHE NHAU”
Nếu như những rắc rối trên chỉ đến từ những người bạn nước ngoài thì đến phần này tôi sẽ kể những vấn đề xảy ra trong nội bộ của đoàn đi Sing.
Không biết có phải được ban quản lý Yoha ưu ái không mà đoàn đi Singapore lần này được bố trí 2 phòng trống và dĩ nhiên trong phòng đó chỉ toàn học sinh trong nội bộ đoàn ở. Đúng là câu “xa thơm, gần không thơm lắm” . Khi ở được với nhau được một tuần, được ngủ, được chơi, gần như 24/24 ở cạnh nhau thì những rắc rối mới thực sự phát sinh, đặc biệt đến từ các bạn nữ.
Ban đầu, chúng rất yêu quý nhau, thích nhau và được sống với nhau chẳng khác gì một đặc ân mà ông trời ban cho chúng. Chúng chia sẻ với nhau những tâm tư, tình cảm rồi cả đồ dùng nữa. Rồi, cái gì đến thì sẽ đến…
Khi không có sự đồng đều, công bằng, thiếu sự thấu hiểu, thông cảm, cộng thêm việc ỉ lại hoặc nhờ vả quá đà thì mọi rắc rối sẽ phát sinh. Ví dụ như: Con chia sẻ cho bạn Chocolate nhưng khi con mượn bạn thứ A, thứ B, thứ C… thì bạn không cho mượn hoặc là con đi lấy cơm phòng nhưng đến khi chị ấy đi thì chị ấy chỉ lấy cơm cho bản thân chị ấy thôi… Chúng không hài lòng về nhau, những bạn cùng “quan điểm” sẽ tìm đến nhau để chia sẻ, kể lể. Thỉnh thoảng có những sự việc được phóng đại và dĩ nhiên “nạn nhân” sẽ lãnh đủ sự thờ ơ hoặc những cái nhìn cháy mắt từ bạn cùng phòng. Đôi khi “nạn nhân” không phải là một cá nhân mà còn là một nhóm bạn dẫn đến việc tố cáo nhau, than thở, khóc lóc, đòi chuyển phòng.
Tôi đã họp cả phòng lại và nói với chúng: “Trước khi các con đòi chuyển phòng, cô muốn nghe trước lí do tại sao ban đầu các con muốn sống cùng nhau”.
“Trước khi từ bỏ, hãy nghĩ lại lí do để bắt đầu”
Chúng im lặng, suy nghĩ. Sau một hồi lâu, chúng ghi cho tôi những ấn tượng tốt về nhau – những thứ mà chúng tâm đắc khiến chúng quyết định về chung “một phòng”. Rồi sau đó tôi để chúng ghi những lí do khiến chúng không muốn sống cùng nhau nữa.
Tôi đặt những thứ đó cạnh nhau để chúng thấy rằng cuộc sống là như thế. Nó cũng có những mặt trái để chúng ta rèn luyện khả năng thích nghi của mình. Nếu chúng ra không thay đổi bản thân, chỉ đứng ở góc độ cá nhân để phán xét thì chúng ta sẽ trở thành những con người tội nghiệp, chẳng sống được với ai.
Tôi để chúng nói chuyện thẳng thắn với nhau, về cả những điều chúng không hài lòng về đối phương. Dĩ nhiên, có sự khó chịu, có sự xấu hổ, trên hết là giúp nhau vượt qua cái tôi cá nhân quá lớn để đối diện và thay đổi. Thậm chí, chấp nhận thực tế chúng là một kĩ năng cần học hỏi. Sau sự việc này, tôi càng yêu đám trẻ hơn. Đơn giản vì chúng được nói ra những thứ khiến chúng khó chịu, còn người lớn lại thiên về việc chấp nhận thực tế hơn, đơn giản là số đông người ta sợ mất lòng nhau.
VIỆC GIAO TIẾP TIẾNG ANH
Tôi là một ví dụ điển hình về việc lười nói Tiếng Anh. Đơn giản vì sợ nói mà người ta không hiểu nên càng ngại. Kém Tiếng Anh nhất nhì đoàn nên tôi càng ngại hơn. Công việc ít nhiều cũng phải sử dụng Tiếng Anh, tôi ý thức được nhưng vẫn lạm dụng việc nhờ vả nếu có cơ hội. Có một câu chuyện khiến tôi phải suy nghĩ về việc mình phải tự thân vận động như thế nào.
Chuyện là thế này: “Tôi phải nạp thẻ giặt đồ nên cần làm việc với bộ phận văn phòng của kí túc xá Yoha. Khổ nỗi, họ nói quá nhanh khiến tôi nghe cứ thấy lùng bùng, phải nhờ thầy Công nói hộ. Sau vụ đó, mỗi lần đi nạp thẻ, tôi đều kéo bạn Khôi Nguyên đi. Khôi Nguyên là học sinh lớp tôi chủ nhiệm, bạn ấy rất siêu Tiếng Anh nên tôi coi Nguyên như một phiên dịch viên đắc lực cho mình.
Một ngày đẹp trời, tôi lại rủ nó đi nạp thẻ giặt. Không hiểu sao, lần này nó không chịu đi. Nó nói với tôi: “Cô phải tự tìm cách giao tiếp với họ, con không đi cùng nữa đâu? Không phải con ngại đi nhưng cô cũng cần cải thiện Tiếng Anh.” Nói mãi, nó mới chịu giúp tôi nhưng nó bắt tôi nói với họ, nếu họ không hiểu thì nó dịch lại. Tóm lại, nó bắt tôi PHẢI NÓI.
Sau vụ hơi “mất mặt” đó, tôi quyết định giương cao ngọn cờ “không có gì quý hơn độc lập tự do”, không nhờ vả ai nữa. Ban đầu, tôi viết ra giấy, đưa họ. Họ đọc và thực hiện theo yêu cầu của tôi. Lần sau, tôi đã nói được yêu cầu của tôi một cách dài dòng, nhấn mạnh từ khóa mong muốn. Lần sau nữa, tôi đã nói được một câu ngắn gọn, đúng trọng tâm. Tôi cũng khổ sở tập luyện nhiều lần ở phòng, tra phiên âm để đọc cho chính xác. Sau nhiều lần như thế, tôi đã tự tin hơn. Việc giao tiếp để nạp thẻ, mua đồ ở siêu thị, trao đổI với thu ngân không không còn là vấn đề với tôi nữa.
Tôi thầm cảm ơn những học sinh của tôi vì chúng dạy tôi nhiều điều. Giống như việc quăng cho bạn một vấn đề và yêu cầu bạn giải thích. Đơn giản là dạy nhau qua trải nghiệm. Còn nhiều lắm những tình huống khó đỡ nữa, mình sẽ viết tiếp nếu như mọi người thích bài viết này của mình.
Những ghi chép của cô giáo Hoàng Ngọc theo đoàn học sinh tham dự trại hè Singapore 2017