NHẬT KÍ ĐỒNG HÀNH – NGÀY 1 CỦA DỰ ÁN KHỞI NGHIỆP “BÁNH QUY XÂY QUỸ KHÁT VỌNG”

NGÂN TRẦN·CHỦ NHẬT, 9 THÁNG 9, 2018

Mang tiếng đến hỗ trợ các con làm và bán bánh nhưng đâu tôi toàn được: được ăn, được gói cả công thức làm bánh đem về, được nhớ lại ước mơ về một tiệm bánh nhỏ hồi xa xưa đó, được thán phục, được cười hạnh phúc và rơi cả những giọt nước mắt xúc động….nói chung là được nhiều lắm. Ngồi mân mê mãi tôi quyết định kể lại một vài mẩu chuyện nho nhỏ thôi, sợ kể dài không ai đọc.

  1. Khâu chuẩn bị

Tổ Hậu cần của mỗi nhóm cùng cô có gần 30 phút đi shopping với cả thể 200 nghìn vốn/1 nhóm vay từ quỹ phụ huynh cho việc mua nguyên liệu vào chiều tối thứ 6. Chúng đã làm náo loạn cả cửa tiệm nguyên liệu vì những câu hỏi, sự phân chia, tính toán và đều nhận lại được tiếng cười, lời khen đáng yêu từ các cô nhân viên bán hàng.

Nguyên liệu cho 5 nhóm

Khi Hoàng My nói: Với số nguyên liệu này nếu trừ cả hỏng cũng phải được 3 mẻ, mỗi mẻ 100 cái, mỗi cái 3 đến 5k, lãi rồi cô ạ.

Rồi Diệu Anh nói: Số nguyên liệu này làm loại bánh của con thì được 100 cái, mỗi cái 7-8k, cái nào có matcha bán 15k, thế ít nhất cũng được 700k

Với kinh nghiệm từ 2 chuyên gia làm bánh của lớp, cả nhóm và cô tràn đầy hi vọng bước ra khỏi tiệm đi về trong hân hoan, phấn khởi cùng 1 túi xách nặng.

Nguyên liệu cho ít nhất 100 cái bánh – thông tin từ các chiên gia

  1. Qui tụ những tài năng làm bánh

Sáng hôm sau, 5 nhóm ở 5 nhà bắt đầu công việc lúc 8h. Ôi! Sao mà tránh được việc mải chơi, táy máy tò mò nghịch vài thứ nhà bạn chứ.

Cô Ngân hóng để học lỏm công thức chứ không bị như thầy Hiếu bị thu học phí 3 nghìn

Hậu trường chắc tanh bành lắm đây!

Khi chàng vào bếp

Mới gần 1 tiếng đã có mẹ up ảnh đưa được mẻ đầu tiên vào lò. Chắc đó là một sự thúc giục hữu hiệu, không lâu sau các nhóm cũng lần lượt up ảnh. Nhưng, ô kìa, 5 nhóm 5 loại bánh, 5 kích thước khác nhau, cái có kem cái không, nhóm có socola nhóm không, nhóm hình tim, nhóm hình bánh trung thu, nhóm hình lưỡi mèo; vỡ vụn có, cháy xém có, nướng hỏng có,…. Điều làm cô an tâm đó là tất cả đều là bánh quy lại còn vừa làm vừa sáng tạo nữa chứ. Lát sau gọi điện cho cô bàn lại về giá cả, thay vì bán theo chiếc như lúc đầu tất thảy đều bán theo gói. Tất thảy không cần nghĩ đến việc bán đúng giá mà nghĩ sao đặt giá mỗi gói để không bị lỗ vì hỏng nhiều. Nhóm thì 10 nghìn, nhóm thì 25 nghìn, nhóm 30 nghìn. Cô phi xe đến cứu trợ tinh thần cho mỗi nhóm mà nhóm nào cũng bảo: “cô ơi, chắc là lỗ mất vì số lượng không như dự định, bán đắt quá sợ không ai mua”. Cô nhìn rõ thương chỉ có thể động viên: “Cứ tự tin bán sau đó rút kinh nghiệm cho ngày thứ tiếp theo!”

Những chiếc bánh dự đinh 7-8k/1 chiếc đây

25k/1 gói 3 chiếc

Bạn làm bánh quy nhưng bạn cứ thích sáng tạo với những gì bạn có cơ.

Chụp ảnh PR còn phải có phông nền lãng mạn thế này nữa cơ

Dù lo lắng cho việc bán buổi chiều là vậy nhưng thấy các nhóm đăng ảnh đã hoàn thành sản phẩm, đóng gói và có bữa trưa ngon lành, cô an tâm lắm và thầm cảm ơn các “Shark” đã hỗ trợ địa điểm.

Chụp ảnh PR còn phải có phông nền lãng mạn thế này nữa cơ

Dù lo lắng cho việc bán buổi chiều là vậy nhưng thấy các nhóm đăng ảnh đã hoàn thành sản phẩm, đóng gói và có bữa trưa ngon lành, cô an tâm lắm và thầm cảm ơn các “Shark” đã hỗ trợ địa điểm.

Tự lăn vào bếp cho bữa trưa

Bữa trưa với nước chanh và pizza

Bữa trưa lịch sự với bồi bàn chiên nghiệp, đặt tấm lót hoa lá rất là lịch sự còn cái có đĩa dành riêng cho BOSS cùng ghế xoay đại bự.

  1. Chuẩn bị tung quân ra thị trường

13h15’, trong khi cô Ngân cùng nhóm của mình đang làm những mẻ tiếp theo và trang trí những tiếp thiệp cho từng gói bánh, nhóm Trung Hòa Nhân Chính gọi điện thông báo còn có 2 gói bánh, số tiền đã vượt vốn và chuẩn bị về nhà làm mẻ tiếp theo. Đó là động lực cho các nhóm khác quên cả ngủ trưa, cấp tốc chuẩn bị nốt để bắt đầu bán lúc 15h chiều, nào là truyền thông, nào là đóng gói, chuẩn bị tiền lẻ, hộp đựng tiền ủng hộ từ thiện của khách nữa…. Tại sao lại là 15h mà không phải đi bán luôn? Vì “thầy Quang” phán là: “15h các thượng đế mới ngủ dậy, bán giờ gây phiền tới họ”.

Phụ trách truyền thông

Nói đến đây cô Ngân rất muốn cảm ơn các “Shark” cung cấp các phương tiện và thông tin kịp thời để các nhóm nắm bắt tình hình của nhau kịp thời, có động lực làm việc liên tục. Các “Shark” chính là những phóng viên hiện trường, những liên lạc viên tuyệt vời!

  1. Hành trình bán hàng

Phần này nhiều lắm, nhưng cô Ngân chỉ xin kể lại vài mẩu cô cóp nhặt từ nhóm cô đi cùng. Cô chỉ đứng từ xa quan sát và thỉnh thoảng động viên, hoan hô chúng thôi.

Lúc đầu bán hàng khá khó khăn vì tất thảy chúng đều ngại ngùng, nhấn chuông, gõ cửa và bán những chiếc bánh nhỏ xíu thật không dễ dàng. Cô gửi gắm một câu: Các con yên tâm, điều các con làm từ trái tim người ta sẽ cảm nhận được, rồi sẽ có người mua hàng của các con. Lấy lại tinh thần, chúng lại đứng dậy đi bán.

* Câu chuyện 1: Bán hàng cho anh sinh viên nghèo

Trong lúc việc nhấn chuông gõ cửa bán hàng đang rất khó khăn, cô thấy một anh trai đứng đợi bạn và có giơ máy ảnh về mấy đứa như quay phim, chụp ảnh; cô động viên chúng tiếp chuyện. Chúng rụt rè đi qua nhưng nghĩ thế nào lại quay lại:

– Chú cho chúng cháu xin chút thời gian nhé, chỉ 2 phút thôi ạ!

– Gọi anh thôi nhé, vì anh là sinh viên, anh cũng rất tò mò các em bán gì nên các em nói đi, nhưng anh không có tiền nhé vì anh là sinh viên nghèo.

Chúng giới thiệu về lớp, về trường, về quỹ Khát vọng và về dự án “Bánh quy xây quỹ Khát vọng” của chúng. Vì chưa có kinh nghiệm nên phần giới thiệu này khá dài, thông tin chi tiết đến mức cô cũng không nhớ kịp chứ đừng nói đến khách hàng (ngày thành lập, các hoạt động đã làm, người quản lý…). Rồi chúng nói về buổi sáng làm bánh “với bao tâm huyết và tình yêu thương nghĩ về các bạn nhỏ ở quỹ Khát vọng” để có thể tạo ra số bánh này.

– Chú có thể ủng hộ tới quỹ này bằng việc mua bánh và trả mức giá tùy tâm nhưng vì chúng cháu phải vay vốn bố mẹ để làm ra số bánh này nên hi vọng chú trả mức nhỏ nhất là 20k với vị matcha, 15k vị bơ trứng để chúng cháu thu đủ vốn trả bố mẹ và có lãi xây quỹ. (Lúc đầu bàn rõ là bán 25K với 38K mà đi bán lại giá tùy tâm mà nhỏ nhất 15k).

Giá trị cái bánh ngoài ăn ngon còn chính là từ những hình thù ngộ nghĩnh vui mắt này, nhìn là cười.

Thú thật đi: bạn đã cười khi nhìn những lời chúc này chứ? Tiền phải trả cho việc này chứ đâu.

Anh sinh viên khá bối rối vì chắc cũng không có tiền

thật.

– Anh thực là đang khó khăn, không có nhiều tiền ở đây. Cảm ơn các em đã cho anh biết về quỹ này, anh rất phục các em đó.

– Anh không mua cũng không sao, anh có thể lấy một gói bánh làm quà tặng người yêu anh nhé!

Anh sinh viên lưỡng lự rút ví:

– Anh chỉ có 29k, anh ủng hộ các em hết, các em rất giỏi.

Rồi anh em cùng chụp ảnh với nhau làm kỉ niệm. Chúng rời đi khoảng 5 bước chân quay sang hỏi cô:

– Thương anh ấy quá cô ơi, tội nghiệp anh ấy cũng nghèo, anh ấy ủng hộ hết 29k, hết tiền thì anh ấy lấy gì tiêu, hay trả lại cô nhé!

Nói là làm, chúng quay lại nhưng anh sinh viên bảo:

– Không sao đâu các em, anh rất vui mà, anh lại còn nhận được lời chúc nữa! Chúc các em bán hàng may mắn nhé!

Anh em đều thấy hạnh phúc! Cô chỉ tiếc là cô chụp ảnh kỉ niệm cho mấy anh em bằng máy của anh mà không phải của cô.

Cô đứng quan sát thôi mà tự dưng thấy khóe mắt cay!!!

* Câu chuyện 2: Bán hàng cho các cụ già

Bà mua hàng bà còn bày cách cho bán cho hiệu quả, ông bà còn bảo biết về trường biết về nơi trường đang thuê địa điểm. Chuẩn bị chào bà, cháu bảo nhà cháu gần đây, bà còn nhận quen biết bẽo má yêu máy đứa. Súyt bà cũng bẽo má cô vì tưởng cô là trò.

Vì gõ cửa nhà dân bán hàng nên chủ yếu các bạn gặp ông bà lớn tuổi, vì chưa có kinh nghiệm nên chúng cứ xưng hô lẫn lộn cả, cô chú, bác, ông bà và lần nào cũng được ông bà chỉnh sửa cho.

Nhưng có một câu chuyện cô Ngân muốn kể lại vì nể phục chúng, nể phục bởi sự kiên nhẫn, lễ phép của chúng. Nhấn chuông một nhà, thấy một ông săm hình lớn bằng cả lưng:

– Ối! đi nhà khác thôi, người này săm hình, sợ lắm.

– Săm hình thì đã sao? Nhấn chuông ngươi ta đang ra mở cửa mình bỏ đi mất lịch sự.

Ông ra mở cửa, các con chào hỏi lễ phép rồi ông đi vào nhà và bà đi ra tiếp chuyện:

– Chúng cháu chào cô, chú!

– Chào cô chú á? Bố mẹ chúng mày bao nhiều tuổi mà chào cô chú?

– Chúng cháu chào bác, bố mẹ cháu 38-40 tuổi ạ.

– Bố mẹ có 38 tuổi mà dám chào tao là bác á? Bà đẻ ra bố mẹ chúng mày đấy.

– Chúng cháu xin lỗi bác ạ!

– Lại bác?

Trên khuôn mặt nhỏ đang tối sầm, cô cảm nhận được sự bối rối, lo lắng và sợ hãi.

– Cháu chào bà, ông bà cho cháu xin 2 phút thôi ạ!

Chúng giới thiệu, trình bày và không ít lần bà cắt ngang hỏi liên tục bằng giọng khá lớn và đáng sợ, thậm chí dù chưa trình bày xong bà lấy một gói bánh ở ra bằng thao tác mạnh tay khiến bánh văng ra đường, bà lấy 1 cái cắn và nói tiểu đường không ăn rồi trả lại cái vỏ không.

– Chúng mày đi bán hàng cho ai? Trường học, cô giáo bắt đi bán hàng à?Ai bày cho đi bán?

Với tông giọng của bà nếu là tôi đang đứng đối diện bà chắc tôi ấm ức mà khóc mất, vậy mà các con tôi vẫn từ tốn trả lời:

– Đây là kế hoạch chúng con bàn với nhau, chia nhóm ra làm và bán để ủng hộ lãi cho các bạn HS khó khăn được đi học.

Và vô vàn những câu hỏi khác nữa nhằm mục đích để thử những đứa trẻ của tôi nhưng câu nói vừa rồi làm tôi tự hào nhất. Chúng làm tôi bất ngờ vì vẫn trả lời rất rành mạch và đầy thuyết phục.

– Nãy giờ bà đùa thôi, để thử mấy đứa! Chúc các cháu bán hàng may mắn! Vì tùy tâm nên bà trả tiền gói bánh vừa nãy 1 nghìn nhé, mà thôi 3 nghìn nhé!

– Dạ vâng, cháu cảm ơn bà!

– Hả 3 nghìn cũng bán vậy tiền đâu trả vốn?

– Vì là tùy tâm nên chúng cháu nhận tấm lòng của bà, với cả bà cũng bị tiểu đường không ăn được nhiều. (Lại thêm một lần cô phổng mũi tự hào).

Sau vài lần bà trêu bằng việc trả vài giá nữa bà đưa cho chúng 50 nghìn và còn khen ngợi mãi.

– Nãy giờ mỏi chân vào nhà bà nghỉ đi, ngồi phản uống nước.

Chúng cháu cũng mệt thật ý!

Chúng xin phép rời đi vì còn hàng, bà gọi với đưa cho chai nước và cho thêm 30 nghìn. Bà chạy sang nhà hàng xóm bảo họ mua cho mấy đứa và lại bán thêm được 50 nghìn. Đúng là bán hàng có tâm thì sẽ được khách hàng giới thiệu khách hàng mà!.

Chúng đi rồi nhưng bà vẫn nói theo bằng những lời khen ngợi, những tiếng cười hào sảng khá lớn.

Các bà rủ nhau mua và trò chuyện với máy đứa. Bà mua được hàng bà còn có cả niềm vui nữa.

Còn chúng thì thở phào nhẹ nhõm và sung sướng; về nhà còn nói như đinh đóng cột với cô: Kể từ khi bà bóc gói bánh con đã tin chắc bà sẽ mua rồi, chẳng qua bà muốn thử bọn con thôi.

Thú thực là cô cũng đã run sợ trong tình huống này, đến quên cả chụp ảnh cho mấy đứa.

Mới có 2 câu chuyện thôi mà cái ghi chú của cô nó đã dài quá dài thế này nên thôi cô để dành cho riêng mình vậy. Dù không đi cùng các nhóm khác nhưng cô biết chúng cũng có rất nhiều câu chuyện khi bán hàng và sẽ kể cô nghe vào tuần tới.

Cô thay mặt chúng muốn thông báo cho toàn thế giới rằng: Các con đã có ngày 1 khởi nghiệp thành công so với mục tiêu ban đầu. Chúng con thu được cả “đầu” kinh nghiệm, “bụng” yêu thương, siêu năng lượng tích cực, số tiền không nhỏ và khách hàng cũng nhận được hơn 1 gói bánh quy nhỏ xinh.

Cảm ơn thầy Văn Hiếu đã rất nhiệt tình hỗ trợ nhóm nhà Nhật Minh! Cảm ơn các Shark bự của 7A1 đã đầu tư vốn, địa điểm, phương tiện và thông tin liên lạc và tinh thần động viên, cổ vũ tuyệt vời! Cảm ơn cô Trịnh Huyền Trang! Dù không đến được vì cô Ngân báo gấp nhưng gửi lời động viên nhiệt liệt.

Cô rất tự hào về các con!

Ngày 2 bán hàng ở một nơi khó khăn hơn rất nhiều, cô trò mình cùng bàn nhé!

Ngày 1, thứ 7, 8/9/2018

Hành trình cô trò A1 lớn lên 

Nguồn: FB Cô Ngân Trần

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *