Giáo viên Nguyễn Kim Dung

Email: nkdunghanu@gmail.com

Học vấn: Cử nhân khoa tiếng Anh trường Đại học Hà Nội, Chứng chỉ TESOL – Học viện đào tạo Úc; Chứng chỉ Nghiệp vụ Sư Phạm – Đại học Sư Phạm Hà Nội

Kinh nghiệm: 6 năm giảng dạy tiếng Anh tại: Trung tâm Anh ngữ Hi Language school; Trung tâm Anh ngữ Amslink; Trung tâm Anh ngữ IDC – Công ty đầu tư và phát triển quốc tế IDC; Tổ chức phi chính phủ KOTO; Công ty TNHH Quốc tế Socicom; Công ty thiết bị y tế Vietsing; Công ty Marketeers – Dự án đào tạo nhân viên cho tập đoàn DIAGEO

Triết lý giáo dục: “Giáo dục là vũ khí mạnh mẽ nhất bạn có thể dùng để thay đổi thế giới” – Nelson Mandela

Câu chuyện nghề giáo:

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nhà giáo, ông nội và các bác đều là giáo viên, vì vậy, ước mơ muốn làm cô giáo nhen nhóm trong tôi từ nhỏ và cứ lớn dần theo từng ngày. Động lực phấn đấu làm giáo viên của tôi cũng “tiến hóa” theo thời gian.

Hồi bé, cứ mỗi lần đến lần đến dịp 20/11, ông nội và các bác đều được nhận rất nhiều quà, hoa đẹp và những lời chúc dễ thương từ học sinh. Lúc đấy, tôi ngưỡng mộ mọi người lắm nên ước mơ sau này lớn lên mình cũng phải làm giáo viên để được yêu mến và được tặng quà nhiều như vậy. Động lực này đã thôi thúc tôi chiêu mộ mấy đứa em họ hoặc mấy bạn hàng xóm chơi trò giáo viên – học sinh. Bảng là bất cứ mặt phẳng nào trong nhà tôi có thể viết phấn lên, ví dụ như cửa ra vào hay tủ để đồ. Tôi cầm viên phấn, nguệch ngoạc mấy hàng chữ cái, bắt các “học sinh bất đắc dĩ” đọc to theo lời tôi các chữ cái trên bảng. Thật đáng buồn là lớp học này đã bị giải tán sớm vì bố mẹ tôi về nhà và phát hiện tường nhà mới quét vôi, tủ đồ và thậm chí là cả hợp đồng gì đó có vẻ quan trọng của bố mẹ tôi đều dày đặc hình vẽ và chữ cái – sản phẩm sau một buổi dạy học của “cô giáo nhí” và các bạn học sinh. Tuy không được mở lớp nữa nhưng tôi vẫn nuôi ước mơ làm giáo viên vì động lực rất chi là “phàm tục” kể trên… cho tới ngày ông nội tôi mất. Cảnh tượng ngày đó tôi vẫn còn nhớ như in và nó thực sự đã “đè bẹp” cái động lực làm giáo viên ban đầu. Hôm đó tôi khóc sưng húp hai mắt nhưng vẫn nhìn thấy và nhớ rõ những học sinh đến viếng ông nội tôi. Trong số những người học sinh ấy, có những ông, bà đã ngoài sáu mươi tuổi nhưng vẫn đứng rất nghiêm trang thành hàng ngay ngắn, thắp hương, chắp tay lạy trước linh cữu ông nội tôi. Tôi đã nghe thấy đâu đó lẫn trong tiếng khóc nấc thành tiếng… đâu đó trong những câu chuyện kể về cuộc đời nhà giáo của ông tôi… chữ “thầy” đã được lặp lại rất nhiều lần. Ngay giây phút đó, tôi chợt hiểu ra từ “thầy” có ý nghĩa thiêng liêng và đáng kính nhường nào. Từ ngày đó trở đi, ước mơ giáo viên trong tôi càng mạnh mẽ hơn và tôi đã có động lực mới: làm giáo viên để tạo nên một sự thay đổi tích cực trong những học sinh tương lai của mình.

Ngày tốt nghiệp, tôi rất háo hức nhưng cũng không kém phần lo lắng vì sắp được làm công việc mình yêu thích. Tôi đến dạy tiếng Anh ở một tổ chức phi chính phủ tên là KOTO. Đây là nơi giúp đỡ, đào tạo trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trở thành đầu bếp hay nhân viên pha chế. Việc học tiếng Anh là vô cùng cần thiết khi toàn bộ sách giáo trình bằng tiếng Anh và khi kết thúc 2 năm học ở đây, các em sẽ được đánh giá và nhận bằng tốt nghiệp từ học viện Box Hill bên Úc. Tôi không bao giờ quên được bữa trưa đầu tiên của mình với nhân viên và học sinh ở KOTO. Trong khi tôi bảo bác đầu bếp bớt cơm của mình đi vì lo giữ dáng, đột nhiên có một em học sinh rất háo hức chạy ra xin thêm cơm vì vẫn đói dù em vừa ăn hết khẩu phần của mình. Ánh mắt hồn nhiên của em ấy khiến tim tôi đột nhiên thắt lại… Giờ nghỉ trưa, khi nhớ lại thân hình bé nhỏ và ánh mắt “vô tư” ấy, có cái gì đó trong suốt… ướt át… lặng lẽ… vô thức… lăn dài trên má… Những ngày đi dạy đầu tiên thật không dễ dàng vì học sinh của tôi có những em đến bảng cửu chương hay bảng chữ cái còn chưa thuộc nói chi đến học tiếng Anh. Tuy nhiên, những lúc chán nản, lo lắng, mệt mỏi thì ánh mắt đó lại xuất hiện mang thêm cho tôi sức mạnh, quyết tâm, kiên trì để giúp các em học tốt hơn, sau này tốt nghiệp sẽ có một cuộc sống tươi đẹp hơn. Tôi ngày càng yêu nghề giáo vì mỗi ngày đi làm lại nhận được rất nhiều “quà”. Đó là những cái vẫy tay của học sinh, những cái ôm bất ngờ thật chặt, những tiếng chào hỏi, reo hò gọi tên tôi khi các em tình cờ gặp tôi trên đường, những lời chúc bằng tiếng Anh tuy còn sai chính tả nhưng đong đầy yêu thương, những nỗ lực và tiến bộ của các em qua từng ngày…

Tôi thấy mình “may mắn” và “giàu có” quá. “May mắn” vì trong khi nhiều bạn tôi không hài lòng hoặc chật vật với công việc hiện tại, tôi đã tìm thấy công việc phù hợp với mình và được làm công việc yêu thích đó mỗi ngày. “Giàu có” vì mỗi ngày tôi cho đi yêu thương lại “lãi” thêm vô vàn yêu thương. Điều khiến tôi hạnh phúc nhất là chứng kiến các em học sinh của mình tiến bộ từng ngày không chỉ trong học tập mà còn trong ý thức muốn hoàn thiện bản thân và tôi có đóng góp một phần nho nhỏ cho sự tiến bộ đó. Tôi biết sẽ có những khó khăn và thử thách mới chờ đợi tôi phía trước nhưng vì những thay đổi tích cực của các em học sinh, tôi sẽ nỗ lực từng ngày.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *